Oanh Nguyễn: Yoga – ánh sáng diệu kỳ!

Chị Oanh Nguyễn cứ trẻ mãi, ở cả vóc dáng, thần thái lẫn tâm hồn, chị dịu dàng, từ tốn, chậm rãi. Giữa lòng thành phố tấp nập, bận rộn, nhưng khi đứng trước chị, bạn sẽ cảm nhận sự bình an, tĩnh tại.

Là một huấn luyện viên yoga chị chia sẻ: Yoga đòi hỏi người tập phải có lòng kiên trì và lòng tin để đạt đến trạng thái như mình mong muốn, do chính mình cố gắng mà được. Yoga mang đến sự khỏe mạnh từ bên trong và chính những điều đó mang lại cho bạn một sắc diện tươi trẻ, rạng rỡ, cộng thêm nội tâm bình an giúp cho bạn có được đời sống nhẹ nhàng và tĩnh tại.

Cơ duyên nào mang chị Oanh Nguyễn đến với yoga?

Yoga chính là một phương pháp nuôi dưỡng tâm hồn. Tôi thấy hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn, yêu đời hơn, bình tĩnh hơn.

Trước khi làm giáo viên yoga, chị làm nghề gì?

Trước đó tôi làm quản lý kinh doanh cho công ty game, sau này tôi có nhân duyên để biết đển yoga và theo đuổi yoga tới giờ.

Yoga thay đổi chị như thế nào?

Biết đến yoga thực sự là một duyên lành, sau một thời gian tập luyện, yoga đã trở thành một phần cuộc sống của mình rồi. Nhưng để trở thành giáo viên yoga thì còn cần đam mê và sự đầu tư nghiêm túc cho nghề này.

Vừa là giáo viên dạy thiền, vừa dạy yoga, 2 bộ môn này có tương tự nhau không?

Phương pháp mà yoga và thiền dùng đến là hoàn toàn khác nhau. Trong khi cốt lõi của yoga là “kiểm soát”, đưa thân thể vào những tư thế đã được quy định đòi hỏi sự chính xác nghiêm ngặt, qua đó đạt được sự làm chủ đối với thân thể thì cốt lõi của thiền là “buông bỏ”, hoàn toàn không có bất kỳ một sự cưỡng chế nào, ngay cả hơi thở. Hệ thống của yoga bao gồm nhiều kỹ thuật phức tạp mà để thực hành được thì học viên yoga cần có một người hướng dẫn. Trong khi đó, thiền rất đơn giản, bất cứ ai cũng có thể tự thực hành thiền sau khi đã nắm được phương pháp.

Khi vừa bắt đầu tập yoga thì hơi thở rất quan trọng?

Chúng ta không thể điều khiển cho nhịp tim đập nhanh hay chậm, dạ dày co bóp hay không, mạch máu co hay giãn, nhưng chúng ta có thể điều khiển, làm chủ được hơi thở.

Khi chúng ta không để ý thì vận động của hơi thở là tự phát, tùy theo các kích động của thần kinh hay cảm xúc mà nó diễn ra nhanh hay chậm, nông hay sâu, đều hay không đều. Trong cách hít thở thông thường, ta chỉ tống không khí ra khỏi phần trên và phần giữa của phổi, còn phần đáy phổi sẽ có nhiều khí cặn. Phổi bình thường có dung tích khoảng 5 lít không khí, khi ta hít vào thở ra mạnh, chỉ khoảng 3 lít không khí được lưu chuyển, như vậy còn khoảng từ 1,5 – 2 lít không khí không được lưu chuyển và bị tồn đọng. Vậy ta phải tập hít thở sâu đến tận đáy phổi, đẩy hết khí cặn ra ngoài và làm cho không khí trong lành tràn vào.

Đây là một trong những lý do mà cách thở yoga muốn nhấn mạnh: phải thở sâu, chậm, dài. Khi thở ra, cần làm cho không khí ứ đọng trong phổi được đẩy ra ngoài càng nhiều càng tốt và thay thế bằng nhiều không khí trong lành. Thán khí càng được đẩy ra bao nhiêu thì không khí trong lành được đem vào bấy nhiêu.

Thời gian tập yoga tốt nhất?

Thời gian tốt nhất để tập yoga là vào sáng sớm và tối muộn. Vào sáng sớm, tâm trí tỉnh táo còn cơ thể cứng; vào buổi tối, cơ thể dẻo dai hơn sau một ngày hoạt động còn tâm trí bắt đầu mệt mỏi. Nếu bạn tập yoga vào buổi sáng thì nên tập thở trước sau đó mới tập asana (các động tác); tập buổi tối thì tập asana trước rồi mới tập thở.
Oanh Nguyễn: Yoga ánh sáng diệu kỳ! – Ảnh 2.

Chế độ ăn uống của yoga

Những người yogi thuần túy ăn chay hoàn toàn. Nếu chưa đủ duyên để ăn chay, các bạn hãy lựa chọn những món ăn trong lành, tự nhiên, ít dầu mỡ, hạn chế các gia vị gây kích thích như hành, tỏi, ớt.

Nên để bụng rỗng trước khi tập

Bạn nên tập yoga khi bụng trống rỗng, không nên ăn nhiều trước khi tập 4 tiếng hay ăn nhẹ trước 2 tiếng. Vì thế, nên tập yoga vào sáng sớm hoặc tối muộn lúc bụng trống rỗng để đạt hiệu quả tốt nhất. Những người bị huyết áp thấp thì có thể uống sữa hoặc nước hoa quả trước khi tập khoảng 30 phút để không bị chóng mặt khi đói. Sau khi tập yoga, sau 10 – 15 phút mới nên ăn thức ăn lỏng, sau 30 phút mới ăn thức ăn đặc.

Khởi động kỷ trước khi tập

Để tập yoga đúng cách và đạt hiệu quả, bạn cần khởi động kỹ trước khi tập luyện. Bạn hãy khởi động khoảng 45 phút cho khớp cổ, khớp vai, lưng… nhằm làm cho các cơ giãn ra, thần kinh và năng lượng bắt đầu chuyển động để cơ thể bạn thích nghi với cường độ tập luyện cao. Bạn sẽ tập các tư thế dễ dàng hơn và tránh được các chấn thương đáng tiếc khi tập.

Tuân thủ quy trình tập luyện?

Tập luyện yoga gồm 5 bước gồm: Thiền – khởi động – tập các asana – xoa bóp – thư giãn và người tập cần tuân theo những bước này để tập yoga đúng cách. Việc luyện tập cần sự chậm rãi, cẩn thận và chính xác trong từng động tác để việc luyện tập có hiệu quả. Sau buổi tập, bạn thấy đầu óc thanh thản, cơ thể nhẹ nhàng đó mới là tập yoga đúng cách. Đặc biệt, bạn cần lưu ý rằng tập yoga không phải là trào lưu hay ý thích nhất thời, người tập cần kiên trì, nhẫn nại và khi đã lựa chọn thì phải quyết tâm thực hiện tới cùng.
Oanh Nguyễn: Yoga ánh sáng diệu kỳ! – Ảnh 3.

Theo chị Oanh Nguyễn, yoga có hỗ trợ chữa bệnh?

Yoga là một nghệ thuật lâu đời được thiết kế để chuẩn bị cho cơ thể bước vào thiền định. Yoga được biết đến với sức mạnh chữa lành và khả năng chuyển hóa cơ thể và tâm trí bạn. Tuy nhiên, nó cũng là một phương pháp luyện tập thể chất và thường là khá mạnh mẽ. Chính vì vậy, nếu không được thực hiện đúng cách, nó có thể gây đau hoặc thậm chí những tổn thương khá nghiêm trọng.

Yoga bao gồm việc học để giữ bình tĩnh và thư giãn. Khi bạn làm được điều đó, cơ thể bạn có thể tự chữa lành. Một trong những yêu cầu của yoga là hãy nói sự thật cho bản thân. Khi làm vậy, bạn tìm thấy sự thanh thản và bình an trong tâm hồn.

Hiện chị đang công tác ở đâu?

Tôi hiện đang công tác tại Trung tâm Sanny wow và Peace Yoga.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *